Nguyễn Quang Hiền - Nguyên PGĐ Công ty Điện Lực Gia Lai 10/07/2023 11731 0
CÁC NHÀ MÁY ĐÈN TẠI TRUNG KỲ TRƯỚC 1945.
(Bài viết nhân dịp 100 năm Đà Nẵng có điện chiếu sáng 7/1923 - 7/2023)
I- BƯỚC ĐẦU CÓ ĐIỆN CHIẾU SÁNG TẠI TRUNG KỲ
Một giai thoại lịch sử về bóng đèn điện thuộc giai đoạn nhà Nguyễn trị vì mà ngày còn đi học được nghe thầy dạy môn lịch sử kể, mãi cho đến khi có thể dùng Google để kiểm chứng thông tin, tôi vẫn tin là thật: “Ông Nguyễn Trường Tộ đi Pháp về, tường thuật cho vua quan về bóng đèn điện. Các quan thời đó cho là ông phạm thượng, lừa gạt nhà vua vì làm gì có chuyện đèn không dầu, dốc ngược xuống mà vẫn sáng. Ông bị khép tội khi quân nhưng do nghĩ đến những công lao của ông nên triều đình tha cho tội chết và đuổi ông về quê”. Về sau có bài nghiên cứu cho biết: tạp chí Trung-Bắc Chủ Nhật số 179 ra ngày 17/10/1943 có bài viết cho rằng câu chuyện “Cây đèn treo ngược” này là do ông Phạm Phú Thứ trong đoàn đi Pháp cùng Phan Thanh Giản khi về báo lại với vua quan nhà Nguyễn (chúng tôi tra cứu nhưng không tìm ra số 179 này, trong Thư viện Quốc gia: số 178 nhảy sang số 180!). Tác giả bài nghiên cứu này kết luận là chuyện không có thật vì: 1) Nguyễn Trường Tộ mất năm 1871; 2) Cụ Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp năm 1863-64 và khi đó cụ Phạm Phú Thứ biết rõ đây là đèn chiếu sáng đường phố bằng khí đốt và trong hồi ký của mình cụ gọi là “khí đăng”; và 3) Mãi đến 21-10-1879 T. Edison mới được cấp bằng sáng chế ra bóng đèn điện! - Dù sao qua câu chuyện này chúng ta cũng có thể hình dung lại thực trạng về đèn chiếu sáng đô thị bên chính quốc giai đoạn vua Tự Đức trị vì và tại xứ Trung-kỳ nước ta thời Pháp thuộc trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX bước sang 2 thập niên đầu thế kỷ XX: chủ yếu vẫn là đèn dầu lửa (có nơi dùng dầu lạc) hoặc đèn khí đốt!
Theo cách phân chia của thực dân Pháp, xứ An Nam thời Pháp thuộc gồm có các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào cho đến hết Phan Thiết và cả Đông Nai Thượng (Đà Lạt), vì vậy trong phần “Các nhà máy đèn tại Trung kỳ” chúng tôi vẫn liệt kê theo tài liệu gốc cả những số liệu thuộc về các tỉnh Bắc Trung kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và Nam Trung kỳ (Phan Thiết, Đồng Nai Thượng) tuy nhiên chúng tôi có chú ý riêng những tỉnh hiện nay thuộc phạm vi cấp điện của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (CPC-EVN) bằng cách thay đổi thứ tự trong các bảng kê số liệu thay vì theo tài liệu gốc. Chúng tôi cũng so sánh các thông tin từ tài liệu lưu trữ của Pháp với các thông tin trong các quyển: “Điện lực Miền Trung – Biên niên sự kiện” xuất bản năm 2018 và sách “Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975)” của Võ Văn Dật, 2007 và các tài liệu viết về vấn đề sản xuất và tiêu thụ điện tại miền Trung giai đoạn trước 1945 chỉ với mục đích cung cấp thêm thông tin theo những tài liệu tham khảo mới được công bố để quý độc giả tham khảo và đối chiếu nếu cần.
Như chúng ta đã biết, cuối thế kỷ XIX người Pháp sau khi xâm chiếm nước ta đã lần lượt thành lập 5 thành phố đầu tiên, trong đó có 3 thành phố cấp I gồm: Sài Gòn (08-1-1877), Hà Nội và Hải Phòng (19-7-1888) và 2 thành phố cấp II là Chợ Lớn (20-10-1879) và Tua-ran (Tourane 03-10-1888). Tua-ran là thành phố ra đời sớm nhất ở Trung-kỳ (Annam) so với Đà Lạt (1920), Vinh (1927), Huế, Thanh Hóa (1929), Qui Nhơn (1930) và Phan Thiết (1933) là 6 thành phố cấp III cuối thời Pháp thuộc. Những thành phố này cũng là những nơi được dùng điện để chiếu sáng và tiếp đó là có điện để sưởi, đun nấu hoặc dùng tủ lạnh bảo quản thực phẩm (tức là điện sử dụng tư gia) sớm hơn các tỉnh thành khác.
Việc cung cấp điện trong thời kỳ Pháp thuộc tại nước ta do các công ty kinh doanh điện và nước của người Pháp nhận nhượng quyền: Tại miền Bắc chủ yếu là Công ty điện Đông Dương (SIE – Société Indochinoise d’Électricité), tại miền Nam công ty lớn nhất là Công ty Điện và Nước Đông Dương (CEEI – Compagnie des Eaux et d’Électricité de l’Indochine, tuy nhiên các sách thường viết tên tắt là CEE; trong miền Nam trước 1975 ngoài công ty này còn có các công ty: SCEE, Société Centrale d’Éclairage et d’Énergie, cấp điện cho Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam bộ và UNEDI, Union Électrique d’Indochine, cấp điện cho Vũng Tàu, Phan Thiết…) và tại miền Trung là Công ty Điện và Nước Đông Dương tại Trung kỳ (SIPEA – Société Indochinoise Pour les Eaux et l’Électricité en Annam)1 (1 40 năm ngành Điện lực Việt Nam – Tổng Công ty Điện lực VN. 1995, tr 22).
Bài viết này trình bày một số vấn đề liên quan đến cung cấp điện tại Trung kỳ (Annam) từ khi chính quyền Pháp duyệt cấp cho SIPEA nhượng quyền cấp điện tại các tỉnh miền Trung cho đến năm 1945.
Các chi tiết liên quan đến các nhà máy điện của các tỉnh miền Trung có thể đến từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, kể cả những tài liệu ghi chép lại theo hồi ức của những người có uy tín liên quan đến ngành điện miền Trung Việt Nam sống ở thời kỳ này, tuy nhiên chúng tôi cho rằng đáng tin cậy hơn cả là bài viết đăng trên báo Pháp năm 1932 “Les usines électriques en Annam”2 (2 L’Éveil économique de l’Indochine – 22-11-1932. A. Lagrange, tr. 6-7) (Những nhà máy điện tại Trung kỳ) của chính ông kỹ sư Adolphe Lagrange, kỹ sư mẹ người Việt, cha người Pháp, người nhận các nhượng quyền sản xuất và phân phối điện năng tại các tỉnh miền Trung và cũng là thành viên hội đồng quản trị điều hành công ty SIPEA vừa nói ở trên. Sau khi thực hiện cung cấp điện cho các tỉnh thuộc Trung kỳ, ông làm tiếp công việc tương tự tại Lào.
“Xứ Trung kỳ đã được trang bị khá tốt điện chiếu sáng (NQH: theo quan điểm ông Lagrange thời điểm 1931-32) và người ta có thể nói rằng tất cả các thị tứ (tức tỉnh lỵ) của các Tỉnh đã được cung cấp điện ít hoặc nhiều tùy nơi. Ở chỗ mà những Công ty không tìm thấy vùng dân cư đủ hấp dẫn để nhận nhượng quyền (nhằm xây dựng nhà máy điện và lưới điện), ông kỹ sư cũ nguyên là xếp Công chính tên là Valette đã tự lắp đặt theo nhu cầu sử dụng của cá nhân những cỗ máy phát điện nhỏ chạy bằng dầu diesel bán phần (petites groupes semi-diesel) công suất từ 7-:-10 CV. Những máy phát điện này thường được đặt trong một căn phòng đã được cải tạo lại (cho hợp với việc cấp dầu nhớt cho máy điện hoạt động và thoát khói xả v.v.) trong dãy nhà công vụ của tòa Công sứ, chúng hoạt động vận hành tốt và những ông chủ bản xứ của những nhà máy điện cực nhỏ này không phải xoay sở quá vất vả. Đáng tiếc là những cỗ máy nhỏ này chỉ đủ chiếu sáng những dinh thự hành chính của chính quyền và một vài đường sá công cộng gần đó.
Hiện đang có 2 Công ty sở hữu những nhượng quyền quan trọng nhất:
- Công ty Lâm nghiệp (và Diêm Bến Thủy) với nhượng quyền chiếu sáng cho thị tứ Vinh – Bến Thủy bằng nhà máy điện đủ mạnh và hiện đại tại Bến Thủy. Công ty này chúng ta đã biết.
- Công ty SIPEA (Société Indochinoise pour les Eaux et l’Électricité en Annam), một công ty nặc danh vốn 1.000.000 $ đã được thành lập năm 1928 bởi các sáng lập viên: ông Lagrange và Công ty Thiết bị Công nghiệp Đông Dương (Compagnie Indochinoise d’Équipement Industriel). Công ty SIPEA nắm giữ nhượng quyền phân phối điện năng tại các tỉnh sau (ND: tại thời điểm năm 1931): Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Faifoo, Qui Nhơn, Nha Trang”2 (2 L’Éveil économique de l’Indochine – 22-11-1932. A. Lagrange, tr. 6-7).
(ND: Trong sách “Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975” ông Võ Văn Dật viết: “Ngày 07/6/1921, sau bao chuẩn bị và chờ đợi, thành phố Đà Nẵng đã mở môt cuộc đấu thầu cung cấp và phân phối năng lượng cho thành phố. Công ty S.I.P.E.A. (Société Industrielle pour les Eaux et l’Électricité en Asie), đã có cơ sở ở Huế, trúng thầu…”3 (3 Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975, bản in 2019, Võ Văn Dật, trang 254). Theo chúng tôi, tên đầy đủ của công ty trúng thầu ở thời điểm này như sau: Thời Pháp thuộc, từ khi thành lập công ty SIPEA năm 1928 đến 01-1-1956 các chữ viết tắt này là Société Indochinoise pour les Eaux et l’Électricité en Annam, Công ty Điện – Nước Đông Dương tại Trung kỳ. Từ 01-1-1956, tức là sau khi VN giành được độc lập thì công ty này mới thành lập lại và đổi tên thành Công ty Kỹ nghệ Điện-Nước Á châu, các chữ viết tắt vẫn không đổi nhưng chữ Indochinoise đổi thành Industrielle và chữ Annam đổi thành Asie. – Nhân nói về tên gọi của Công ty này, chúng tôi xin nói thêm về việc thẻ sự vụ của Công ty Kỹ nghệ Điện-Nước Á châu cấp trước 1975 cũng bị dịch ra tiếng Việt không đúng: Trên thẻ đề “Công ty Thủy Điện Á Châu S.I.P.E.A.”, đơn giản là do người thiết kế mẫu thẻ thích dùng từ Hán-Việt nên đã dùng chữ Thủy để chỉ việc cấp nước, tuy nhiên cụm từ Công ty Thủy Điện hiện nay được hiểu là nhà máy điện chạy bằng sức nước, thủy năng! Từ khi sưu tầm được “thẻ sự vụ SIPEA” với tên công ty này phiên ra tiếng Việt như vậy, tôi cũng đã giải mã được việc: Lý do vì sao trên bản đồ tỉnh Pleiku do Công binh VNCH vẽ năm 1968 tại vị trí nhà máy điện diesel Pleiku (nhà máy này từ 1937-1957 do SIPEA quản lý), họ lại đề “Ty Thủy điện” mặc dù lúc đó Pleiku chưa hề có nhà máy thủy điện nào do ngành Điện lực tỉnh Pleiku lúc đó quản lý!)
Hình 1: Thẻ sự vụ dùng từ không chuẩn: Công ty Thủy Điện Á Châu SIPEA
“1- Nhà máy điện Thanh Hóa: đã được ông Ngọc, kỹ sư điện, đưa vào góp vốn với SIPEA. Nhà máy gồm có những động cơ khí nghèo (moteurs à gaz pauvre), một tổ máy 80 CV và một tổ 150 CV cung cấp điện 3 pha 210/120 V”4 (4 L’Éveil économique de l’Indochine, 22-11-1932. A. Lagrange, tr 6-7 (đã dẫn)).(Website Công ty điện lực Thanh Hóa có đoạn:“Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy điện đầu tiên được xây dựng tại trung tâm thị xã Thanh hoá có công suất 240kW do một tư nhân người Việt Nam tốt nghiệp kỹ sư điện tại Pháp về nước đầu tư”).
Hình 2: Nhà máy điện Thanh Hóa 1928 của kỹ sư Hoàng Văn Ngọc
Hình 3: Bên trong nhà máy điện Thanh Hóa của ông Hoàng Văn Ngọc
Đối chiếu với phần mô tả hiện trạng nhà máy điện Thanh Hóa của kỹ sư Hoàng Văn Ngọc (kỹ sư điện người Việt, con của quan Án sát Thanh Hóa Hoàng Văn Chinh, báo Pháp viết chữ Chinh không có dấu!) trong bài viết: “Lễ khánh thành nhà máy điện Thanh Hóa” đăng trên L’Éveil économique de l’Indochine ngày 25-3-1928: “Nhà máy điện Thanh Hóa rất đáng quan tâm bởi nó được xây dựng với từng chi tiết nhỏ nhất cũng được ông kỹ sư Ngọc nghiên cứu kỹ lưỡng, gồm có 3 cụm máy phát điện với công suất tổng cộng là 220 CV. Trong đó 2 cụm máy đã được lắp đặt xong. Mỗi cụm này gồm có 1 động cơ khí nghèo loại 2 xy lanh công suất 85 CV lai kéo một máy phát điện hiệu Alsace 50 kVA (như vậy tương đương 40 kW, hiệu suất 87%). Dẫn động lực bằng hệ thống dây cu roa.
Hai bộ cấp khí (P: gazogène, A: gas-producer) để cung cấp khí có thể kết nối hoặc mỗi một bộ cấp khí với riêng từng máy phát điện này hay máy phát điện kia hoặc một bộ cấp khí này hay bộ kia với cả 2 máy phát điện hoặc cả 2 bộ cấp khí cùng lúc với cả 2 máy phát điện, việc chuyển đổi này được thực hiện bằng hệ thống ống dẫn khí và hệ thống van khóa-mở thuận lợi.
Đã dành riêng cho cụm máy phát điện thứ 3 có công suất 150 CV.
Hình 4: Động cơ khí nghèo & Bộ gazogène.
Nhà máy điện Thanh Hóa đã phân phối điện cho 180 thuê bao và cung cấp chiếu sáng đèn đường cho thành phố Thanh Hóa. Về chi phí chất đốt, với suất tiêu thụ 1,2 kg củi/ CV.h (mã lực x giờ) thì hiện nay tốn 8 $/ngày. Điều này cho phép cung cấp điện với giá 0,28 $/ kWh, tương đối thấp đối với một thị tứ nhỏ và rất thấp nếu so với các thành phố lớn của Bắc kỳ.
Nhà máy điện Thanh Hóa góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của Thanh Hóa, một công trình nhỏ tuyệt vời và là một điển hình mà tất cả những tỉnh lỵ khác, đến lượt mình, muốn noi theo./ H. Cucherousset (chủ bút báo)”5 (5 L’Éveil économique de l’Indochine, 25-3-1928. H. Cucherousset, tr. 10-12).
Đây là nhà máy điện đầu tiên do một kỹ sư Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp bỏ vốn đầu tư và chỉ đạo kỹ thuật lắp đặt nhà máy và đường dây phân phối điện).
(Về nhà máy điện khác do công ty tư nhân xây dựng để có điện phục vụ sản xuất tại Hàm Rồng – Thanh Hóa, trong Báo cáo tại Phủ Toàn quyền, Rapports au conseil Gouvernement 1926, ghi thêm chi tiết: “Nhà máy điện tại Hàm Rồng được khai thác bởi Công ty Máy cưa và chế tạo Diêm Thanh Hóa, Société des Scieries et de fabriques d’Allumettes du Thanh-hoa; 2 x 125 HP + 1 x 200 HP = 450 HP, 2 cụm máy phát 2 x 100 kW; Công suất đặt 200 kW; Công suất khả dụng 180 kW; Đường dây điện chiếu sáng: 2,3 km, đường dây điện sản xuất: 0,9 km; điện xoay chiều 220 V 50 Hz; Sản lượng điện 1923: 768 MWh, 1924: 775 MWh, 1925: 768 MWh; Điện chạy động cơ: 760 MWh; Điện chiếu sáng: 8 MWh”6 (6 Rapports au conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indochine – 1926, tr. 351-384).
Ngoài ra, tại thời điểm 01-1-1926 tỉnh Thanh Hóa còn có một dự án nhà máy điện tư nhân nữa được báo cáo nói trên ghi nhận: “Khai thác bởi Công ty Công nghiệp và Lâm nghiệp Đông Dương, Société Industrielle et Forestière de l’Indochine; nhà máy gồm 3 động cơ khí nghèo: 3 x 70 CV; công suất lắp đặt tổng: 100 kW; công suất khả dụng 100 kW; đường dây điện trong phạm vi 4 km2; dòng điện 3 pha 220 V; chế độ quản lý: nhượng quyền phân phối điện năng; ngày ký hợp đồng nhượng quyền ban đầu: 22-7-1925; ngày hết hạn hợp đồng: 22-7-1950; nhưng công ty đã nộp đơn đề nghị nhượng quyền cung cấp điện chiếu sáng công cộng hết hiệu lực ngày 19-6-1926; giá điện khoán 575 $/năm; giá điện công cộng: 0,21 $/kWh; giá điện áp dụng hiện nay: giá bán điện khoán 575 $/năm khoán và giá điện chiếu sáng tư gia 0,28 $/kWh; ngày ký hợp đồng hiện hành 22-7-1925; dự kiến tổng thu chiếu sáng công cộng 7.980 $”7 (7 Rapports au conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indochine – 1926, tr. 351-384) .
Như vậy, sau năm 1926 cả 2 nhà máy điện tư nhân này đều ở dạng tự sản xuất và tiêu thụ điện cho nhu cầu sản xuất của mình, không còn bán điện vào lưới phân phối công cộng. Vì vậy không được tính vào sản lượng điện và điện năng tiêu thụ toàn Đông Dương của các báo cáo thống kê sẽ đề cập ở phần cuối của bài viết này).
Trích tiếp bài viết của ông A. Lagrange:
“Theo bản đồ xứ Trung kỳ, từ trên xuống, chúng ta sẽ gặp những nhà máy điện sau:
2-Nhà máy điện Quảng Trị:
Nhà máy này từ đầu năm 1931 đã thay thế cho nhà máy nhỏ thuộc cơ quan tòa Hành chính tỉnh. Đó là một nhà máy nhỏ xinh xắn gồm có 2 cỗ máy Diesel-Weber, công suất 30 CV mỗi máy, cung cấp điện 3 pha 210/120 V, 50 Hz, được trang bị một bảng điện hiện đại. Phải khẳng định rằng những máy diesel nhỏ nhắn này thực sự hấp dẫn (NQH: thợ điện xưa thường gọi táp-lô điện. Và lúc bấy giờ người Pháp còn đang sử dụng những máy điện chạy bằng động cơ hơi nước có lò hơi đốt củi hoặc than-củi hoặc động cơ khí nghèo!)”.
3-Nhà máy điện Huế:
Nhà máy điện Huế đã được ông Lagrange góp vốn, cũng chính ông ta xây dựng mạng lưới phân phối điện theo hợp đồng với chính quyền Bảo hộ Annam vào năm 1919 (công ty của ông cũng nhận nhượng quyền cấp nước tại Huế). Trước khi có nhà máy điện này, Huế là một thành phố tối tăm tiêu biểu (như các thành phố, thị tứ khác lúc bấy giờ). Nhà máy điện này có thể chứa số máy đạt đến công suất 5.000 CV, hiện nay đang có công suất tổng cộng 870 CV gồm:
- 2 máy điện 250 CV mỗi cái, chạy bằng động cơ khí nghèo có 2 xi lanh với bộ phận sản sinh khí dùng củi (gazogène à bois);
- 1 máy điện 220 CV Sulzer chạy bằng dầu diesel;
- 1 máy điện 150 CV Farcot loại động cơ hơi nước (machine à vapeur) đã được lắp đặt và phát điện từ trước. (NQH: có thể hiểu đây là máy phát điện đầu tiên của thành phố Huế, đã phát điện trước khi ông Lagrange nhận nhượng quyền cung cấp và phân phối điện cho Huế)
Hình 5: Bên trong nhà máy điện Huế trước 1975
Những máy điện này phát điện 3 pha xoay chiều, nâng lên điện áp 3.000 V. Dòng điện được phân phối bằng điện áp này đến các trạm biến áp (mà nhà đặt máy biến áp theo kiểu của người Việt tại các thị tứ bản xứ trong cả nước). Điện dân dụng cấp đến nhà các thuê bao mua điện là 120/210 V” 8 (8 L’Éveil économique de l’Indochine, 22-11-1932, A.Lagrange, tr. 6-7 – tài liệu đã dẫn).
(Về nhà máy điện Huế, trong Báo cáo tại Phủ Toàn quyền, Rapports au conseil Gouvernement -1926, cung cấp thêm một số thông tin: “ông Lagrange, chủ nhượng quyền tại Huế; Cấp điện chiếu sáng và động cơ; công suất đặt 300 kW; công suất khả dụng 200 kW; đường dây dài: 17 km; điện áp 3 pha 210 V, hỗn hợp 3 pha và 1 pha; sản lượng điện: 1923: 500 MWh, 1924: 530 MWh, 1925: 550 MWh; Điện cho động cơ: 360 MWh, điện chiếu sáng 190 MWh (bài viết gốc ghi nhầm là 290 MWh); Chế độ quản lý: nhượng quyền phân phối điện năng; Hội Đồng Bảo hộ xứ Trung kỳ phê duyệt; Thời gian ký hợp đồng đầu tiên: 04-1921, thời gian hết hạn hợp đồng nhượng quyền đầu tiên: 4-1926; giá bán tại công tơ: điện công cộng: 0,224 $/kWh; điện tư gia : 0,28 $/kWh; thời gian ký lại hợp đồng mới: 15-1-1926 để có hiệu lực vào ngày 01-4-1926. Từ 01-4-1926: giá điện công cộng tại công tơ: 0,145 $/kWh, giá điện tư gia: 0,18 $/kWh, dùng điện khoán: 350 $/năm; Cung cấp điện chiếu sáng: 6.000 bóng, cung cấp cho động cơ: 25 HP; Nhà máy và lưới điện do HĐ Bảo hộ Trung kỳ xây dựng với kinh phí: 200.000 $; doanh thu 1925: 34.000$. – Ngày ký lại hợp đồng nhượng quyền: 21-11-1925” 9 (NQH: khi thành lập SIPEA, với Huế chỉ ghi ngày ký này) (9 Rapports au Conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indochine, 01-1-1926 - đã dẫn).
(NQH: Các con số về công suất của động cơ sơ cấp lúc bấy giờ được tính theo đơn vị mã lực (CV, Cheval-Vapeur hoặc HP, Horse-Power), còn các đầu máy phát điện tính theo kW; các tác giả có khi ghi theo công suất của động cơ sơ cấp, có khi ghi theo công suất đầu cực của máy phát điện nên các số liệu có thể lệch nhau. Ngoài ra, công suất lắp đặt các máy thay đổi do lắp thêm, tùy thuộc vào thời điểm của bài viết).
Hình 6: SIPEA Huế trước 1975: Bảng ghi “Cấp điện Bệnh viện Huế mới xây”; Đường dây 6,6 kV, dài 1.100 m, công suất 750 kW; 37 cột điện và 4 cột thép.
“4- Nhà máy điện Tua-ran:
Nhà máy điện Tua-ran được ông Lagrange góp vốn và đã tiến hành xây dựng từ năm 1921. Nhà máy đã được trang bị các máy phát điện chạy bằng động cơ khí nghèo dùng củi và than củi (moteurs à gaz pauvre de bois et de charbon de bois), công suất tổng cộng 450 CV, gồm:
- 3 máy, mỗi máy 100 CV;
- 1 máy 150 CV.
Phát ra điện một chiều 220 V. Nhà máy này sẽ nhanh chóng (sắp) chuyển đổi sang xoay chiều qua các bộ biến đổi điện để cung cấp điện cho những cơ xưởng quan trọng của hệ thống đường sắt.
Thành phố Tua-ran đang phát triển rất nhanh và nếu cảng Tua -ran được xây dựng thì sự phát triển này sẽ còn đáng kể hơn nữa và sẽ tạo cho khu vực miền Trung một tương lai rất tốt đẹp. Hiệu quả của nó đã vượt quá mọi mong đợi”10 (10 Trích tiếp bài viết của A.Lagrange - tài liệu đã dẫn).
Đầu thập niên 1920s toàn Đông Dương vẫn còn đang sử dụng rộng rãi loại động cơ hơi nước với nồi sốt-de, ông Lagrange khi nhận được nhượng quyền cung cấp điện cho thành phố Tourane (Đà Nẵng) đã xây dựng nhà máy đầu tiên tại Đông Dương dùng loại động cơ khí nghèo: “Tiếp theo là Tua-ran, tại đây ông Lagrange đã xây dựng nhà máy phát điện đầu tiên của Đông Dương sử dụng động cơ khí nghèo, rồi đến Qui Nhơn cũng với sự tận tụy của ông Lagrange”11 (11 L’Éveil économique de l’Indochine, 09-10-1927 – Les Entreprises d’Électricité en Annam, tr. 18). (NQH: sách “Điện lực Miền Trung, Biên niên sự kiên, 2018, trang 9 viết: Về quy mô, ban đầu nhà máy (điện Tua-ran) chỉ có 2 máy phát điện mang nhãn hiệu National, với tổng công suất đặt là 230 kW, trong đó, 01 máy 80 kW và 01 máy 150 kW. Đây là máy phát điện chạy bằng hơi nước. Điện sản xuất ra lúc đó là điện xoay chiều” – Đối chiếu với đoạn trích bài viết của ông Lagrange, người xây dựng nhà máy điện Tua-ran, chúng tôi thấy các số liệu về số tổ máy, công suất đặt ban đầu và nhất là máy phát điện chạy bằng hơi nước chứ không phải động cơ khí nghèo cần phải xem lại!).
Tại đại hội cổ đông của năm tài chính thứ 5 họp ngày 30-6-1933, Hội đồng quản trị của công ty SIPEA ghi nhận hoạt động của các nhà máy điện tại Thanh Hóa, Huế, Tua-ran, Faifoo, Nha Trang…Theo báo cáo tại đại hội cổ đông, giai đoạn đầu những năm 1930 thì: các nơi ban đầu được cung cấp dòng điện 1 chiều sẽ chuyển đổi sang cung cấp điện xoay chiều:
“-Tại Tua-ran: 2 máy điện bimorphique (NQH: máy điện bimorphique là loại đầu máy phát điện có khả năng cung cấp ra 2 loại điện: cả điện 1 chiều lẫn điện 3 pha xoay chiều), dự kiến lắp đặt để thay thế dần dần điện một chiều bằng điện xoay chiều, đã đi vào vận hành bình thường và việc chuyển đổi điện một chiều sang điện xoay chiều sẽ được thực hiện tiếp.
- Tại Nha Trang: Việc chuyển đổi điện một chiều sang cung cấp và phân phối điện xoay chiều đã hoàn tất toàn bộ”12 (12 L’Éveil économique de l’Indochine, 28-1-1931, tr.12).
Hình 7: Bên trong nhà máy điện Tourane (vị trí sau làm văn phòng giao dịch của Công ty Điện lực Đà Nẵng).
Trong Bố cáo thành lập Công ty SIPEA Société Indochinoise Pour les Eaux et l’Électricité en Annam thì ông Lagrange góp vốn vào công ty này: “Nhượng quyền cấp nước và điện trong 30 năm (1925-1955) tại thành phố Huế (NQH:từ 1921-25 là vốn của ông Lagrange) và những thiết bị, vật tư của những xí nghiệp này. Nhà máy điện Tua-ran và nhượng quyền cung cấp điện từ 1921-1946”13 (13 L’Éveil économique de l’Indochine, 27-11-1927, tr. 12). Nhà máy điện Tua-ran nằm trên đường Maréchal-Joffre (sau đổi tên thành đường Phan Đình Phùng); đến thời điểm phụ tải sử dụng điện tăng cao, SIPEA chuyển nhà máy điện sang khu Liên Trì (đây là thời kỳ lắp đặt các máy phát điện diesel công suất lớn), vị trí nhà máy cũ dùng làm văn phòng giao dịch, điều hành.
Hình 8: Nhà máy điện diesel Liên Trì Đà Nẵng (khoảng 1968-69)
Hình 9: Nhà máy điện Liên Trì trước 1975
(Về việc cung cấp điện tại Tua-ran, trong Báo cáo tại Phủ Toàn quyền, Rapports au conseil Gouvernement - 1926, cung cấp thêm thông tin: “Đường dây điện dài 10 km; điện 1 chiều 220 V; sản lượng điện 1923: 93.750 kWh, 1924: 101.250 kWh, 1925: 112.500 kWh; cung cấp cho dịch vụ và tư gia: 60.600 kWh, cung cấp cho sản xuất: 14.000 kWh; chế độ quản lý: nhượng quyền - Khâm sứ Annam phê duyệt; Thời gian ký hợp đồng nhượng quyền đầu tiên: 24-2-1922, thời gian hết hạn nhượng quyền: 24-2-1927; theo hợp đồng ban đầu giá bán cho chiếu sáng công cộng tại công tơ: 0,25 $/kWh, giá bán cho chiếu sáng tư gia: 0,32 $/kWh; giá bán thực tế hiện nay 1926: 0,82 $/kWh; cung cấp chiếu sáng 300 bóng công cộng, 800 bóng tư gia; 0,550 kW động cơ; doanh thu 1925: 13.500 $”14 (14 Rapports au conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indochine, 01-1-1926 - tài liệu đã dẫn).
(NQH: Về ngày ký hợp đồng nhượng quyền 24-2-1922 ghi trong báo cáo này có sự chênh lệch so với các tài liệu khác. Dẫn chứng: 1) Trong “Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975)”, tác giả Võ Văn Dật viết: Ngày 07-6-1921, sau bao chuẩn bị và chờ đợi, thành phố Đà Nẵng đã một cuộc đấu thầu cung cấp và phân phối năng lượng cho thành phố. Công ty S.I.P.E.A. (Société Industrielle Pours les Eaux et l’Électricité en Asie), đã có cơ sở khai thác ở Huế, trúng thầu. Hơn một năm sau, đến tháng 7 năm 1923 thị dân Đà Nẵng mới thực sự được hưởng “ánh sáng văn minh”15 (15 Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975, Võ Văn Dật (tài liệu đã dẫn ở mục 3); 2) Bulletin administratif de l’Annam, 15-12-1927 viết: “Ông Lagrange được ủy quyền thay mặt công ty SIPEA thực hiện những quyền phát sinh từ những thỏa ước nhượng quyền sau: …ngày 27-6-1921 giữa ông Đốc lý Tua-ran và ông Lagrange liên quan đến nhượng quyền cung cấp điện cho thành phố Tua-ran”16 (16 Bulletin administratif de l’Annam. 15-12-1927, tr. 1558-1559); 3) Tiểu sử ông Adolphe Lagrange: “năm 1920: định cư tại Huế; 4-1921: nhận nhượng quyền phân phối điện năng cho thành phố Huế; ngày 27-6-1921: nhận nhượng quyền cung cấp điện cho thành phố Tua-ran”17 (17 website entreprises-coloniales.fr. 17-8-2020, profile: Adolphe Lagrange, tr.1/7). Tuy nhiên, điểm chung của các tài liệu trên là Tua-ran (Đà Nẵng) chính thức có điện chiếu sáng công cộng từ 7-1923. Chúng tôi cho rằng ngày ký là 27-6-1921 mới đúng).
“5-Nhà máy điện Faifoo18 (18 Trích tiếp bài viết của A.Lagrange - tài liệu đã dẫn):
Ngày 01-6-1924, ông Lagrange kỹ sư nộp đơn yêu cầu cấp nhượng quyền cung cấp điện tại thị tứ Faifoo. Ông phó Công sứ Corue được ủy nhiệm làm Ủy viên thẩm tra để xem xét cấp19a (19a Bulletin administratif de l’Annam. 15-9-1924, tr.1082). Tiếp đó, ngày 24-11-1924 ông Lagrange và ông Bogaert được cấp nhượng quyền phân phối điện cho Faifoo (Hội An)19b (19b Bulletin administratif de l’Annam. 01-9-1928, tr. 1043).
Các ông Lagrange và Bogaert đã góp vốn vào nhà máy này, nhà máy điện Faifoo đã được xây dựng trước năm 1926. Thời điểm này, nhà máy có tổng công suất là 210 CV, gồm:
- 1 máy 60 CV động cơ khí nghèo dùng củi;
- 1 máy 30 CV động cơ khí nghèo dùng than;
- 1 máy 120 CV chạy bằng động cơ hơi nước.
Nhà máy điện Faifoo phân phối điện một chiều 220 V DC. Mặc dù hiện đang giảm bớt lượng tầu thuyền giao thông của người Hoa ghé cảng nhưng hiệu quả phục vụ của nhà máy điện là thỏa mãn”20 (20 Trích tiếp bài viết của A. Lagrange - tài liệu đã dẫn).
Đưa tin về nhà máy điện Faifoo, báo chí Pháp lúc bấy giờ viết: “Ngày 30-12-1925 nhà máy điện tại Faifoo thuộc tỉnh Quảng Nam đã được khánh thành. Nhà máy được xây dựng bởi quý ông Lagrange và Bogaert, gồm có 2 máy điện tổng công suất 150 CV, mà trong đó 1 máy 120 CV được dẫn động bằng nồi hơi sốt-de và 1 máy 30 CV là mẫu máy mới, tối tân của Đông Dương vì máy này sử dụng than phun bụi, nguồn than lấy từ mỏ than Vĩnh Phước”21 (21 L’Éveil économique de l’Indochine, 07-2-1926, Deux usines électriques nouvelles en Annam, tr 17).
Nhà máy điện Faifoo nằm trên đường Cầu Nhật Bản nối dài (rue du Pont Japonnais prolongée).
(Về nhà máy điện Faifoo (Hội An, Quảng Nam), Báo cáo tại phủ Toàn quyền cho thêm thông tin chi tiết: “Các ông Lagrange và Bogaert xây dựng và khai thác; Nhà máy gồm 2 cụm máy phát 100 CV, sử dụng cả động cơ hơi nước và động cơ khí nghèo, công suất đặt là 146 kW; đường dây dài 4km, cung cấp điện 1 chiều 220 V (NQH: theo tài liệu khác là 210 V); không có số liệu sản lượng 1923-1925; khai thác vận hành theo chế độ nhượng quyền từ 01-1-1926; ngày ký hợp đồng nhượng quyền đầu tiên 20-1-1925, ngày ký lại hợp đồng nhượng quyền 20-1-1950; giá bán điện công cộng tại công tơ 0,24$/kWh; giá bán điện cho tư nhân tại công tơ 0,30$/kWh; giá điện khoán 600$/năm; cấp điện chiếu sáng công cộng cho 230 bóng 25 bu-gi; cấp điện cho chiếu sáng tư gia 600 bóng 25 bu-gi; cấp điện cho động cơ 30 HP; thu ngân sách địa phương 6.600 $”22 (22 Rapports au conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indochine. 01-1-1926 - đã dẫn)).
“6-Nhà máy điện Qui Nhơn:
Nhà máy đã được xây dựng trong năm 1925 bởi ông Lagrange và ông Anziani, là 2 người đã góp vốn vào nhà máy này.
Khởi đầu nhà máy có 2 máy phát điện 80 CV chạy bằng động cơ hơi nước bán cố định. Những máy điện này liền sau đó được thay thế bằng 2 máy phát điện diesel Sulzer mỗi máy 100 CV do giá nhiên liệu diesel rẻ hơn giá than an-ra-xít đưa đến Qui Nhơn. Nhà máy cung cấp điện một chiều 220 V DC” 23 (23 Trích tiếp bài viết của A. Lagrange - tài liệu đã dẫn).
Về nhà máy điện Qui Nhơn, tờ báo nói trên viết tiếp theo sau đoạn nói về ngày khánh thành nhà máy điện Faifoo:“3 tuần lễ sau (ND: tức là sau ngày khánh thành 30-12-1925 của nhà máy điện Faifoo) sẽ là Qui Nhơn khánh thành nhà máy lắp đặt máy phát điện”24 (24 L’Éveil économique de l’Indochine, 07-2-1926, Deux usines électriques nouvelles en Annam, tr 17).
(Với nhà máy điện Qui Nhơn, chúng ta có thêm một số thông tin: “Tên và địa chỉ người khai thác: Ông Anziani và ô Lagrange-Pagès giám đốc; 2 máy hơi nước bán-cố định (semi-fixes) 32 CV +102 CV, dẫn động 2 dynamo mắc song song, hiện đã có 1 máy đầu tiên, máy thứ nhì phải được lắp đặt trong tháng này (tháng 1-1926); công suất lắp đặt tổng của 2 máy dự kiến là 120 kW, hiện chỉ mới 1 máy hoạt động; công suất khả dụng 120 kW; đường dây điện dài: 9,6 km; Dòng điện 1 chiều 220 V; Hoạt động cấp điện chiếu sáng kể từ 01-1-1926; chế độ quản lý: nhượng quyền; ngày ký hợp đồng nhượng quyền đầu tiên: 07-7-1925; ngày hết hạn hơp đồng: 07-7-1950; giá điện công cộng 0,33$/kWh, trừ 20% đối với dịch vụ công cộng và 25 % đối với chiếu sáng đường phố và dinh thự công sở; giá điện khoán: 600 $/năm; giá điện chiếu sáng tư gia 0,33 $/kWh; ngày ký hợp đồng hiện đang hiệu lực tháng 7-1925; giá thực tế đang áp dụng: giá điện khoán 600 $/năm; giá điện chiếu sáng tư gia: 0,33 $/kWh; chiếu sáng công sở 425 bóng, chiếu sáng đường phố 336 bóng; chiếu sáng tư gia 672 bóng; theo hợp đồng thì ngân sách địa phương thu tiền của 40.000 kWh/năm”25 (25 Rapports au conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indọchine, 01-1-1926 - đã dẫn)
Đến ngày 20-8-1926, các ông Descours và Cabaud nhận nhượng quyền thời hạn 25 năm (1925-1950) phân phối điện cho thành phố Qui Nhơn thay cho ông Anziani: “Từ ngày 20-8-1926: các ông Descours và Cabaud được ủy quyền thay mặt công ty Descours và Cabaud để thực hiện những quyền phát sinh từ ông Anziani liên quan đến nhượng quyền phân phối điện năng tại trung tâm thị tứ Qui- Nhơn – Khâm sứ Trung kỳ đã ký”26a (26a Bulletin administratif de l’Annam, 15-8-1926, tr. 844).
(NQH: Sách “Điện lực Miền Trung - Biên niên sự kiện” có đoạn viết về nhà máy điện Qui Nhơn: “Tại Bình Định, vào năm 1920, một công ty tư nhân do một người tên Nguyễn Minh Vũ đứng tên, cũng là một chi nhánh của Công ty Điện nước Đông Dương tại Trung kỳ, đã khởi công xây dựng Nhà máy đèn Quy Nhơn, đến năm 1923 thì hoàn tất. Người bỏ vốn ra thầu để xây dựng là một tư sản Pháp tên là Grand Morin. Như vậy, có thể cho rằng, điện xuất hiện tại Quy Nhơn từ năm 1923”26b (26b Điện Lực Miền Trung - Biên niên sự kiện, 2018, tr.10) – Các thông tin trong đoạn văn này cần kiểm tra lại vì: 1) Công ty Điện-Nước Đông Dương tại Trung kỳ SIPEA đăng “Bố cáo thành lập công ty” trên L’Éveil économique de l’Indochine 27-11-192727 (27 L’Éveil économique de l’Indochine, 27-11-1927, tr.19); “Điều lệ hoạt động của công ty SIPEA nộp tại văn phòng chưởng khế Fays tại Sài Gòn ngày 25-10-1927”, nghĩa là sau ngày này công ty SIEPA mới có pháp nhân để chính thức hoạt động cung cấp điện cho các tỉnh miền Trung mà công ty được thừa hưởng lại nhượng quyền do chính quyền Bảo Hộ đã cấp cho ông Lagrange. Đến ngày 09-1-1928 SIPEA mới phát hành cổ phiếu (mời xem hình cổ phiếu SIPEA)28 (28 website entreprises-coloniales.fr., S.I.P.E.A. trang 3/19 (hình chụp cổ phiếu SIPEA) – Như vậy công ty tư nhân ông Nguyễn Minh Vũ không thể làm chi nhánh cho công ty SIPEA từ 1920 được; 2) Vì cung cấp điện là ngành đặc thù cần bằng cấp chuyên môn phù hợp và các hoạt động sản xuất và phân phối điện năng chính quyền thực dân Pháp quản lý rất chặt chẽ, người Việt muốn tham gia cần phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp như ông Hoàng Văn Ngọc của tỉnh Thanh Hóa, tiếp theo phải qua các bước: đề nghị được cấp nhượng quyền cung cấp điện, có trường hợp phải dự đấu thầu như tại Tua-ran và sau đó mới được cấp nhượng quyền; những việc này chính quyền Bảo Hộ đều đăng trên công báo hoặc tạp chí Bulletin administratif de l’Annam. Chúng tôi đã xem các văn bản lưu trữ liên quan đến nhà máy điện Qui Nhơn thì không thấy tên ông Nguyễn Minh Vũ được nhắc đến trong giai đoạn từ 1920-1926. Tất nhiên, trung tâm thị tứ Qui Nhơn có thể có điện sớm hơn, ví dụ như từ máy điện nhỏ phục vụ tòa Công sứ Qui Nhơn hoạt động theo chế độ công quản, chủ yếu cấp điện cho tòa Công sứ, chứ không phải cung cấp từ nhà máy điện Qui Nhơn của ông Anziani).
Năm 1929 nhà máy điện Quy Nhơn được phép lắp đặt các máy phát diesel để thay thế các máy phát điện chạy bằng lò hơi: “SIPEA được phép thay thế 2 máy phát điện cũ công suất mỗi cái 80 CV lò hơi bán cố định đã được lắp đặt, trang bị tại nhà máy điện Qui Nhơn từ khi bắt đầu nhận nhượng quyền, bằng 2 máy phát diesel Sulzer công suất mỗi chiếc 100 CV, được lắp bộ giảm thanh. SIPEA phải thực hiện tất cả những quy định để giảm thiểu tiếng ồn của những động cơ diesiel này bằng một hệ thống xả khí và giảm thanh thích hợp. Những quyền của bên thứ 3 và người dân cư trú quanh vùng được bảo đảm toàn bộ”29 (29 Bulletin administratif de l’Annam, 1929, tr. 1432).
Hình 10: Nhà máy điện Qui Nhơn sau ngày giải phóng (31/01/1975)
7- Nhà máy điện Nha Trang:
Ngày 28-2-1926 Ông Lagrange và Bogaert được cấp nhượng quyền cung cấp điện năng cho thành phố Nha Trang30 (30 Bulletin administratif de l’Annam, 01-9-1928, tr. 1043).
“Nhà máy điện Nha Trang: Do các ông Lagrange và Bogaert góp vốn và được xây dựng năm 1928.
Nguyên thủy gồm có 2 máy điện 150 CV chạy bằng động cơ khí nghèo dùng củi. Liền đó được bổ sung thêm 1 máy điện diesel Sulzer 220 CV. Ban đầu nhà máy điện Nha Trang phát ra điện một chiều 220 V, nhà máy sắp chuyển qua phân phối điện xoay chiều.
Một đường dây dẫn điện đi xa 10 km để cung cấp cho khu vực dân cư quanh nhà ga và trung tâm thương mại Thành.
Sắp tới, đường dây điện cao thế sẽ dẫn điện đến cảng xinh đẹp Chụt - Cầu Đá và cũng cung cấp điện cho Hải học viện, tại đó những bộ sưu tập quý giá được trưng bày đáng để tham quan.
Những nhà máy điện của SIPEA không chỉ cung cấp điện chiếu sáng. Chúng còn cấp điện để sản xuất nước đá với giá cả hợp lý, do đó đã mang lại một chút thoải mái cho những người Âu sống rải rác trong các đồn bốt dọc theo đường Quốc Lộ 1”31 (31 Trích tiếp bài viết của A.Lagrange – tài liệu đã dẫn).
H11: Bên trong nhà máy Chụt – Nha Trang trước 1975
Đến đại hội cổ đông họp ngày 30-6-1933, Hội đồng quản trị công ty SIPEA ghi nhận: “Tại Nha Trang, việc chuyển đổi điện một chiều sang phân phối điện xoay chiều đã hoàn tất toàn bộ”32 (32 L’Éveil économique de l’Indochine, 28-1-1931, tr. 12).
Như vậy, nói chung, ngoại trừ Thanh Hóa, Quảng Trị và Huế dùng điện xoay chiều ngay từ đầu, các nơi còn lại như: Tua-ran, Faifoo, Qui Nhơn, Nha Trang ban đầu dùng điện 1 chiều, mãi cho đến đầu thập niên 1930 mới chuyển đổi dần sang điện xoay chiều. Ban đầu, gần như đa số máy phát điện công suất rất nhỏ và một số nơi vẫn dùng loại động cơ sơ cấp là động cơ hơi nước có nồi hơi sốt-de như Huế, Faifoo, Quy Nhơn; đến khi công ty của ông Lagrange nhận được nhượng quyền cấp điện đã đưa vào sử dụng các máy phát điện chạy bằng động có khí nghèo rồi sau đó mới trang bị dần các máy chạy bằng dầu diesel (phần lớn tùy thuộc vào công nghệ chế tạo động cơ làm quay máy phát điện của từng thời kỳ và sớm hay muộn là do so sánh giá cả giữa than đá, than củi, củi với giá dầu diesel). Do công suất điện cung cấp rất nhỏ chỉ đủ để chiếu sáng nên thời bấy giờ dân chúng các nơi vẫn quen dùng từ “nhà máy đèn” để chỉ nơi đặt máy phát điện của khu vực họ sinh sống, và vì thế nhà đèn cũng được đặt ở ngay tại trung tâm thị tứ để có thể cung cấp điện cho các khu lân cận bằng đường dây hạ thế là đủ.
Ông Lagrange viết bài về “Những nhà máy điện tại Trung kỳ” năm 1932 vì vậy, những nhà máy điện xây dựng khi SIPEA được cấp nhượng quyền sau năm này như: Quảng Ngãi, Sông Cầu, Tuy Hòa, Pleiku, Kontum và Buôn Ma Thuột không được ông đề cập trong bài viết trên.
Sang thập niên 1920 người ta đã thay dần động cơ hơi nước bằng động cơ khí nghèo và đến giữa thập niên 1930 bắt đầu ưa chuộng loại động cơ diesel có kích thước nhỏ gọn và có thể cung cấp công suất điện lớn hơn nhiều so với 2 loại động cơ hơi nước và động cơ khí nghèo.
Nhân bài viết của ông Lagrange có đề cập đến: có nơi dùng loại máy phát điện dùng lò hơi nước làm động cơ sơ cấp, và có nơi lắp đặt loại máy phát điện dùng động cơ khí nghèo. Chúng tôi xin giải thích thêm: “Ban đầu đa số các máy móc được dẫn động bằng lò hơi nước, dùng than, củi để đốt nồi sốt-de, loại máy này cồng kềnh và buộc phải có nồi sốt-de để chạy động cơ hơi nước. Đến 1887 kỹ sư Dowson được cấp bằng chứng nhận về loại động cơ khí nghèo, loại này bỏ hẳn nồi sốt-de nên động cơ khí nghèo kích thước nhỏ gọn hơn. Khí nghèo sản sinh từ việc thổi không khí qua một lớp than (hoặc than-củi, củi) dày đang cháy, nó có thành phần trung bình là: 25% ô-xýt các-bon, 60% ni-tơ, 17% hy-drô và khí mê-tan, còn lại là chất không cháy. Khí nghèo có giá trị nhiệt lượng thấp: từ 1.100 – 1.200 calories/m³ ” 33 (33 Bulletin/Société académique du Bas-Rhin pour le progrès des sciences, des lettres, des arts et de la vie économique, 02-1903, Moteur à gaz pauvre/Les moteurs à gaz, J.Fr.Hey, tr. 74-76).
Viết về việc ông Lagrange nghiên cứu và mạnh dạn thay thế động cơ hơi nước bằng động cơ khí nghèo tại Trung kỳ, báo chí Pháp ngày 23-5-1926 đưa tin: “Một ví dụ, tại Trung kỳ, ông Lagrange giám đốc các nhà máy điện Huế, Tua-ran, Faifoo và ông Tassel, giám đốc trường chuyên nghiệp (trường nghề Huế) đã dấn thân vào việc nghiên cứu giải quyết: đầu tiên là vấn đề loại bỏ lò hơi nước, thứ nhì là vấn đề những vật liệu sử dụng là than-củi”34 (34 L’Éveil économique de l’Indochine, 23-5-1926, Le concours des camions à gazogène, tr. 19).
II- Công suất lắp đặt – Sản lượng điện – Điện năng tiêu thụ - Giá bán điện (liên quan đến các nhà máy đèn tại Trung kỳ nêu ở mục I trên):
Dưới dây chúng tôi tổng hợp lại “Tình hình sản xuất và tiêu thụ điện toàn Đông Dương” cho đến cuối năm 1942, được tạp chí Bulletin économique de l’Indochine, đăng trong các số xuất bản từ năm 1933 đến năm 1943. Tuy nhiên, để bài viết không quá dài, chúng tôi chỉ chép lại những số liệu liên quan đến các tỉnh thuộc Trung kỳ (theo ranh giới mà người Pháp lúc đó gọi là Annam), còn một vài bảng kê có thêm các thành phố lớn khác, hoặc có thêm số liệu của Cambodge hay Lào chỉ cũng để quý độc giả có cái nhìn so sánh về sự phát triển của xứ Trung kỳ trong toàn Đông Dương giai đoạn đó.
Số liệu thống kê của tạp chí được cập nhật thường xuyên từ cuối 1933 (đến 1943) về sản lượng điện và điện năng tiêu thụ của Đông Dương. Những số liệu này dựa theo báo cáo hàng tháng của 5 Công ty sau 35 (đến 1935 thì 5 công ty này cung cấp 94% sản lượng điện toàn Đông Dương) (35 Bulletin économique de l’Indochine, 01-9-1936, tr. 791), kết hợp với các báo cáo định kỳ hàng năm về khâu sản xuất và tiêu thụ điện lập bởi các phân chi khu Công chính các tỉnh36 (36 Bulletin économique de l’Indochine, 01-9-1933, tr. 904).
-Société indochinoise d’Électricité (SIE)
-Société indochinoise Pour les Eaux et l’Électricité en Annam (SIPEA)
-Union Électrique d’Indochine (UNEDI)
-Société coloniale d’Éclairage et d’Énergie (SCEE)
-Compagnie des Eaux et d’Électricité de l’Indochine (CEEI tức CEE).
Với các số liệu của các bảng kê trong phần này, quý độc giả lưu ý tiêu chí sau: chỉ những nhà máy điện sản xuất và cung cấp điện vào lưới công cộng mới thể hiện ở phần “Điện năng sản xuất và điện năng tiêu thụ”, các nhà máy điện của các công ty tư nhân xây dựng để có điện sản xuất và chiếu sáng nội bộ không được kể vào mà thống kê ở một bảng riêng (chúng tôi không trích dẫn ở đây).
“Điện năng sản xuất và tiêu thụ tại mỗi xứ (thuộc Đông Dương) là một trong những đặc điểm quan trọng của nền kinh tế…
Với mục đích này, chúng tôi đã tham vấn những bảng biểu hàng năm được các phân chi khu Công chính lập và cung cấp những thông tin chi tiết về sản xuất và phân phối điện năng tại các xứ khác nhau thuộc Đông Dương. Khi nhu cầu cần thiết, những kết quả phân tích này (trong các bảng kê) được bổ sung và kiểm chứng bằng các cuộc khảo sát trực tiếp để so sánh với (số liệu của) những nhà sản xuất chính (ND: ám chỉ 5 công ty đã nói ở trên). Các bảng kê đã tính đến tất cả các nhà máy điện do các công ty (hoặc tư nhân) vận hành với mục đích chính là sản xuất và bán điện năng, cũng như cả những cơ sở lắp đặt máy điện nhỏ do các tỉnh hoặc thành phố, thị tứ quản lý theo chế độ công quản để đưa điện lên lưới điện công cộng. Các nhà máy điện do các Công ty Nông nghiệp hoặc Công ty Khai thác Mỏ lắp đặt để phục vụ nhu cầu riêng của họ đã được để qua 1 bên, không tính vào số liệu báo cáo, ngay cả khi các cơ sở này bán điện cho các trung tâm thị tứ ngay sát bên cạnh như là một khoản thu phụ thêm (vào công việc chính của họ) (Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp công ty Société indochinoise forestière et des allumettes tại Bến Thủy cung cấp điện cho thị tứ Vinh-Bến Thủy thì sản lượng điện và điện năng tiêu thụ nơi này vẫn được tính vì đây là một trong những thị tứ quan trọng nhất của Trung kỳ)36 (36 Bulletin économique de l’Indochine, 01-9-1933, tr. 904).
1-Công suất lắp đặt của các máy phát điện tại Trung kỳ đến cuối năm 1932, cuối năm 1935 và cuối năm 1937:
Bảng I: cung cấp công suất lắp đặt đầu cực của các máy phát điện đến cuối năm 1932, cuối năm 1935 và cuối năm 1937 tại các nhà máy điện được xác định như tiêu chí nói ở trên.
Tên nhà máy tại Trung kỳ |
Cuối 1932 Công suất đặt (kW)37 |
Cuối 1935 Công suất đặt (kW) 38 |
Cuối 1937 Công suất đặt (kW)39 |
Thanh Hóa |
200 |
160 |
220 |
Sầm Sơn |
50 |
41 |
39 |
Hồi Xuân |
“ |
9 |
7 |
Vinh-Bến Thủy |
1.500 |
2.400 |
3.450 |
Hà Tĩnh |
14 |
55 |
59 |
Đồng Hới |
7 |
14 |
11 |
Quảng Trị |
50 |
44 |
35 |
Huế |
720 |
543 |
604 |
Tua-ran (Đà Nẵng) |
420 |
342 |
342 |
Faifoo (Hội An) |
99 |
173 |
141 |
Quảng Ngãi |
“ |
51 |
39 |
Thu-Xà |
“ |
“ |
9 |
Qui Nhơn |
160 |
220 |
236 |
Sông Cầu |
9 |
10 |
10 |
Tuy Hòa |
“ |
“ |
44 |
Nha Trang |
295 |
294 |
296 |
Đà Lạt |
400 |
470 |
422 |
Phan Thiết |
200 |
144 |
144 |
Phan Rang |
7 |
11 |
6 |
Kontum |
Từ 1933 12 |
10 |
8 |
Pleiku |
Từ 1933 8 |
8 |
8 |
Banméthuôt |
Từ 1934 80 |
80 |
80 |
Tổng cộng |
4.231 |
5.079 |
6.008 |
37Bulletin économique de l’Indochine, 01-9-1933, tr. 910; 38Bull. éco. de l’Indo., 01-9-1936, tr.794; 39 Bulletin économique de l’Indochine, 1938, tr. 1433.
2- Điện năng sản xuất của các nhà máy nói trên từ 1929-1937:
Bảng II thể hiện số liệu của từng nhà máy điện trong từng năm từ 1929-1937. Con số này thể hiện tổng điện năng sản xuất, bao gồm cả lượng điện tiêu thụ gọi là “điện tự dùng” của các nhà máy điện (điện tự dùng của nhà máy điện bao gồm: điện chiếu sáng nhà máy, điện phục vụ bơm nước, bơm dầu-nhớt, điện sạc ắc-quy của hệ thống bảo vệ máy phát điện, điện cho nhà điều hành, điện cấp cho khu nhà ở công nhân trực máy v.v. Tóm tắt: điện tự dùng là lượng điện năng cần dùng để nhà máy điện hoạt động bình thường và an toàn, do đó không tính gộp với điện năng tiêu thụ là lượng điện bán ra cho khách hàng thuê bao dùng điện).
Chúng ta có thể so sánh số liệu sản lượng điện năng với phép tính nhân công suất lắp đặt của máy phát điện từng nhà máy với số giờ vận hành máy phát điện hàng năm ở chế độ đầy tải (nghĩa là máy điện phát đến công suất lắp đặt định mức của nó) .
Để quý vị tiện theo dõi, chúng tôi tổng hợp bảng kê “Điện năng sản xuất 1929-1935” và bảng kê tương tự của 1936 và 1937 thành 1 bảng như sau:
Bảng II: Sản lượng điện từ 1929-193740
Xứ Trung kỳ (Annam) số liệu x 1.000 kWh
Nơi sản xuất |
1929 |
1930 |
1931 |
1932 |
1933 |
1934 |
1935 |
1936 |
1937 |
Đồng-Hới |
“ |
“ |
2 |
5 |
12 |
16 |
38 |
28 |
23 |
Quảng-Trị |
2 |
2 |
18 |
25 |
23 |
30 |
34 |
37 |
40 |
Huế |
750 |
1.173 |
1.409 |
1.340 |
1.132 |
1.146 |
1.191 |
1.338 |
1.682 |
Tourane |
393 |
407 |
396 |
470 |
449 |
502 |
484 |
501 |
519 |
Faifoo |
106 |
128 |
110 |
124 |
104 |
107 |
108 |
133 |
124 |
Quảng-Ngãi |
“ |
12 |
12 |
12 |
12 |
65 |
122 |
84 |
93 |
Qui-Nhơn |
187 |
228 |
231 |
209 |
214 |
251 |
257 |
262 |
333 |
Sông-Cầu |
9 |
13 |
12 |
12 |
12 |
14 |
14 |
10 |
10 |
Tuy-Hòa |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
30 |
98 |
Nha-Trang |
202 |
251 |
237 |
217 |
184 |
232 |
258 |
269 |
294 |
Kontum |
“ |
“ |
“ |
“ |
12 |
20 |
20 |
15 |
15 |
Pleiku |
“ |
“ |
“ |
“ |
3 |
5 |
11 |
12 |
17 |
Banméthuôt |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
115 |
158 |
Phan-Thiết |
250 |
253 |
237 |
219 |
216 |
168 |
182 |
181 |
197 |
Phan-Rang |
9 |
13 |
13 |
11 |
11 |
19 |
20 |
20 |
20 |
Đà Lạt |
290 |
284 |
502 |
461 |
460 |
471 |
510 |
573 |
604 |
Vinh-Bếnthuy |
1.910 |
1.989 |
1.976 |
1.673 |
1.800 |
1.810 |
1.854 |
1.690 |
1.745 |
Hà-Tĩnh |
“ |
10 |
10 |
20 |
20 |
15 |
60 |
41 |
98 |
Thanh-Hóa |
170 |
202 |
216 |
216 |
231 |
226 |
243 |
218 |
231 |
Sầm-Sơn |
6 |
7 |
8 |
“ |
9 |
9 |
14 |
12 |
18 |
Hồi-Xuân |
“ |
“ |
“ |
“ |
8 |
7 |
7 |
5 |
3 |
Tổng cộng |
4.294 |
4.972 |
5.389 |
5.014 |
4.913 |
5.193 |
5.337 |
5.574 |
6.322 |
40 Số liệu 1929-1932: Bulletin économique de l’Indochine, 1933, tr. 911; số liệu 1933-1935: tạp chí năm 1936, tr.795; số liệu 1936: tạp chí năm 1937, tr.575; số liệu 1937: tạp chí năm 1938, tr.1434.
Ghi chú: 1) Chúng tôi đã đưa những dòng có số liệu liên quan đến điện miền Trung lên trên; 2) Một số nơi những cột đầu tiên trong bảng kê này không có số liệu do lúc đó nhà máy điện của tỉnh chưa cấp điện vào lưới công cộng; 3) Với sản lượng năm 1932 cả Annam là 5.014 MWh và công suất đặt máy phát điện là 4.231 kW thì cả năm máy phát điện vận hành đầy tải khoảng 1.140 giờ, bình quân mỗi ngày khoảng hơn 3g30 phút có điện chiếu sáng.
Ở giai đoạn đầu các thành phố lớn của Trung kỳ có điện, theo Báo cáo tại phủ Toàn quyền, chúng ta có số liệu của các năm 1923-1924-1925 như sau:
Bảng III: Sản lượng điện giai đoạn 1923-1925 vài tỉnh thuộc Trung kỳ41
số liệu x 1.000 kWh.
Nơi sản xuất điện |
1923 |
1924 |
1925 |
Huế |
500 |
530 |
550 |
Tua-ran |
93,75 |
101,25 |
112,5 |
Faifoo |
“ |
“ |
“ |
Qui Nhơn |
“ |
“ |
“ |
Nha Trang |
“ |
“ |
“ |
Đà Lạt |
“ |
60 |
77,25 |
41 Rapports au conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indochine, 01-1-1926, (đã dẫn)
3-Điện năng tiêu thụ từ 1929-1937:
“Điện năng tiêu thụ thể hiện rất trung thực và tăng giảm theo sự trồi sụt của nền kinh tế của xứ liên quan và kết quả là phản ánh rất chính xác. Đáng tiếc là con số điện năng tiêu thụ, nghĩa là lượng điện năng bán cho các thuê bao: quản lý hành chính công sở và tư nhân thường được biết với một độ không chính xác nào đó. Thật vậy, tại nhiều thị tứ nhỏ, ngoài điện năng sản xuất người ta chỉ biết được lượng điện năng chuyển vào lưới điện và nó bao gồm, ngoài lượng điện tiêu thụ như đã nói, tổn hao trên dây dẫn và máy biến thế điện. Trong trường hợp này, chúng ta phải tính một con số gần đúng về điện năng tiêu thụ với chấp nhận một tỷ lệ phần trăm thất thoát. Mặt khác đối với những thuê bao chấp nhận đăng ký dùng theo chế độ khoán (không ghi chữ số tiêu thụ trên công tơ đo đếm điện năng định kỳ hàng tháng) thì con số điện năng tiêu thụ chỉ là ước tính. Với 2 lý do này, những kết quả liên quan đến con số điện năng tiêu thụ là gần đúng, chỉ riêng với những khu dân cư nhỏ bé. (Báo cáo năm 1936 thêm: ngoài ra còn có lượng điện tiêu thụ trong sinh hoạt của những gia đình nhân viên của chủ sản xuất điện, nhất là những gia đình ở cạnh nhà máy điện được xem là điện tự dùng nên không tíng vào sản lượng điện; cũng như lượng điện của các thuê bao dùng điện khoán và lượng điện tiêu thụ do chính quyền cấp miễn phí cho người dùng … những lượng điện này chỉ có thể ước tính 42)( 42 Bulletin économique de l’Indochine, 01-9-1936, tr. 787).
Cuối cùng, tại 1 số công ty sản xuất điện kiêm luôn việc phân phối nước sạch và làm nước đá nên dẫn đến việc xem như đó là điện năng tiêu thụ nội bộ tại các cơ sở chi nhánh thuộc công ty. Lượng điện tiêu thụ này không đem lại doanh thu về điện, nếu có đã được thêm vào lượng điện tiêu thụ phải trả tiền”.
Với công suất lắp đặt tại nhà máy điện của các tỉnh lúc ban đầu rất nhỏ như vậy nên lượng điện năng tiêu thụ của những năm này cũng rất ít. Cũng như phần Điện năng sản xuất, về Điện năng tiêu thụ chúng tôi cũng tổng hợp bảng kê “Điện năng tiêu thụ 1929-1932” và bảng kê “Điện năng tiêu thụ 1933-1937” thành 1 bảng kê dưới đây: (xin xem Bảng IV).
Bảng IV: Điện năng tiêu thụ từ 1929-1937 tại các tỉnh thuộc Trung kỳ (số liệu x 1.000 kWh)43
Nơi tiêu thụ |
1929 |
1930 |
1931 |
1933 |
1934 |
1935 |
1936 |
1937 |
Đồng-Hới |
“ |
“ |
8 |
8 |
15 |
24 |
24 |
20 |
Quảng-Trị |
2 |
2 |
12 |
22 |
28 |
32 |
33 |
35 |
Huế |
580 |
880 |
1.052 |
996 |
1.008 |
1.022 |
1.124 |
1.302 |
Tourane |
275 |
299 |
297 |
361 |
395 |
397 |
415 |
446 |
Faifoo |
72 |
81 |
84 |
80 |
80 |
81 |
92 |
101 |
Quảng-Ngãi |
“ |
8 |
8 |
18 |
57 |
95 |
79 |
89 |
Thu-Xà |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
13 |
77 |
Qui-Nhơn |
140 |
150 |
152 |
164 |
193 |
212 |
222 |
269 |
Sông-Cầu |
6 |
9 |
8 |
10 |
10 |
10 |
7 |
7 |
Tuy-Hòa |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
“ |
25 |
35 |
Nha-Trang |
150 |
178 |
180 |
123 |
178 |
190 |
201 |
217 |
Phan-Thiết |
156 |
158 |
158 |
110 |
117 |
132 |
130 |
143 |
Phan-Rang |
6 |
9 |
10 |
14 |
14 |
14 |
19 |
18 |
Đà Lat |
200 |
203 |
371 |
409 |
399 |
419 |
469 |
509 |
Thanh-Hoá |
121 |
142 |
145 |
172 |
168 |
184 |
178 |
181 |
Sầm-Sơn |
4 |
5 |
6 |
8 |
7 |
13 |
11 |
12 |
Hội-Xuân |
“ |
“ |
“ |
1 |
1 |
4 |
4 |
3 |
Vinh-Bếnthuy |
1.433 |
1.492 |
1.457 |
1.122 |
1.062 |
1.158 |
1.075 |
1.156 |
Hà-Tĩnh |
“ |
7 |
7 |
10 |
14 |
40 |
41 |
57 |
Kontum |
“ |
“ |
“ |
9 |
20 |
18 |
15 |
14 |
Pleiku |
“ |
“ |
“ |
2 |
4 |
10 |
13 |
15 |
Banméthuôt |
“ |
“ |
“ |
“ |
18 |
38 |
97 |
126 |
Tổng cộng |
3.145 |
3.623 |
3.953 |
3.639 |
3.788 |
4.093 |
4.287 |
4.736 |
43 Số liệu 1929-1932: Bulletin économique de l’Indochine, 1933, tr. 912; số liệu 1933-1935: tạp chí năm 1936, tr.796; số liệu 1936: tạp chí năm 1937, tr.576; số liệu 1937: tạp chí năm 1938, tr.1435.
Ghi chú: 1) Năm 1932 không đọc được số liệu nên bỏ trống 1 năm; 2) Chúng ta thấy, sau năm 1933-1934 có thêm các tỉnh: Kontum, Pleiku và Buôn Ma Thuột có điện; đến năm 1930 có thêm: Quảng Ngãi; 1936-37 thêm Tuy Hòa, …
4-Giá bán điện trong năm 1932 và một số năm tiếp theo44: (xin xem Bảng V)
Nơi bán điện
|
Giá bán cho tư nhân (piastre / kWh) |
|
Điện sx công nghiệp & dùng động cơ |
Điện dân dụng Chiếu sáng – Quạt |
|
Đồng-Hới |
“ |
0,25 |
Quảng-Trị |
0,13 |
0,30 |
Huế |
0,10 |
0,24 |
Tourane |
0,10 |
0,32 |
Faifoo |
0,10 |
0,30 |
Quảng-Ngãi |
“ |
‘ |
Qui-Nhơn |
5,10 (?) |
0,33 |
Sông-Cầu |
“ |
0,29 |
Nha-Trang |
0,08 |
0,30 |
Phan-Thiết |
0,15 |
0,30 |
Phan-Rang |
“ |
0,29 |
Đà Lạt |
0,14 |
0,28 |
Vinh-Bếnthuy |
0,136 |
0,272 |
Hà-Tĩnh |
“ |
0,25 |
Thanh-Hoá |
0,14 |
0,28 |
Sầm-Sơn |
0,20 & 0,40 |
0,45 |
Kontum45 |
“ |
0,30 |
44 Bulletin économique de l’Indochine, 01-9-1933, tr. 913.
45 Dòng Kontum do chúng tôi thêm, số liệu tham khảo từ bảng kê “Điện năng tiêu thụ” Kontum từ 1933-1937 và giá điện của Kontum đăng tại: Rapports au conseil gouvernement. 01-6-1937, tr 67-68.
Ghi chú: 1) Từ thập niên 1930s, giá 1$ = 10 F (theo L’Indochine française – Les capitaux française, p 22); 2) Dấu (?) ô số liệu của Qui Nhơn vì không rõ lý do giá quá cao: 5,10$! 3) Để có thể biết giá điện này cao hay thấp, ta so sánh với các con số về giá ngày công lao động và vài mặt hàng thực phẩm ghi chép trong Kontum tỉnh chí năm 1933: Giá trị một ngày công đi sưu lúc đó là 0,25 $/ngày (nếu không đi sưu 10 ngày thì phải nộp 2,5$), giá của 1 kg măng le là 0,25 $/kg và giá thịt heo là: 0,4 $/kg (Nam Phong tạp chí - số 191-195, 1933-1934 – Bài Kontum tỉnh chí.); 3) Chúng tôi chỉ trích dẫn 1 năm tiêu biểu vì định kỳ chính quyền Pháp thời đó đàm phán giá cả với các công ty cấp điện liên quan.
III. Vài dòng về sự phát triển điện tại các tỉnh Trung kỳ (thay lời kết):
Khởi đầu từ những năm đầu thập niên 1920, công suất lắp đặt của các nhà máy quá nhỏ (Pleiku 8 kW, nhỏ nhất miền Trung), tuy gọi là nhà máy của tỉnh nhưng chỉ bằng 1 máy điện dự phòng của 1 hiệu buôn ngày nay! Các máy phát điện ban đầu dùng động cơ hơi nước cồng kềnh, hiệu suất kém sau khi ông Lagrange nhận nhượng quyền cung cấp điện năng mới chuyển dần sang dùng động cơ khí nghèo (Chúng ta có thể nhớ lại: Thời bao cấp, khi xăng dầu khan hiếm tại miền Trung đã xuất hiện loại xe khách độ chế lại để chạy bằng than, đó cũng là một kiểu ứng dụng của động cơ khí nghèo này). Điện cung cấp ban đầu có nhiều nơi còn dùng điện 1 chiều, sau mới chuyển đổi sang điện xoay chiều. Về mục đích sử dụng: ban đầu chỉ dùng điện để thắp sáng dần dần thêm đun nấu, sưởi, tủ lạnh…và các xí nghiệp công nghiệp phải đầu tư máy phát điện riêng để sản xuất. Con số thất thoát điện năng có nơi ban đầu trên dưới 30%!
Đến nay, 2023, chúng ta dùng nơi buổi ban đầu có điện chỉ có máy công suất đặt nhỏ nhất là Pleiku để có cái nhìn so sánh thì hiện nay công suất cao nhất trong ngày của thành phố là 82 MW (tức 82.000 kW) sau 90 năm tăng gấp 10.000 lần. Điện năng tiêu thụ của cả tỉnh Pleiku trong năm 1933 chỉ là 2.000 kWh/năm thì hiện nay chỉ riêng thành phố Pleiku là 1.026.000 kWh/ngày. Số giờ có điện ban đầu chỉ hơn 1 giờ/ngày thì nay là 24g/ngày. Số khách hàng mua điện lúc đầu chỉ vài trăm người nay tiến đến hầu như mọi người đều có điện dùng. Tỷ lệ điện tổn thất thay vì khoảng 30% lúc đầu, nay chỉ còn xấp xỉ 3%, giảm 10 lần. Điện không chỉ để thắp sáng, quạt mát và chiếu sáng đường phố (về dịch vụ lúc đó cũng chỉ đơn giản gồm chiếu bóng, làm nước đá) như trước kia mà còn phục vụ sản xuất công nghiệp, bơm tưới nông nghiệp và những mục đích ngày càng đa dạng như internet, viễn thông, điều khiển giao thông, trang trí, quảng cáo v.v.
Hoặc với Đà Nẵng, nơi bắt đầu có điện chiếu sáng từ tháng 7-1923 đến nay là tròn 100 năm. Theo số liệu từ “Báo cáo tại phủ Toàn quyền” (Rapports au conseil gouvernement/Gouvernement général de l’Indochine” thì năm 1923: công suất lắp đặt của nhà máy điện Tua-ran chỉ đạt 450 CV (tức khoảng hơn 330 kW), điện năng sản xuất năm 1923 chỉ đạt gần: 94 x 10³ kWh; mạng lưới điện chỉ dài 10 km và tổn thất hao hụt từ 22-:-25%. Đến nay, 2023, theo thông tin từ Công ty Điện lực Đà Nẵng: công suất cao điểm đã là trên 570 MW (tức 570.000 kW, tăng khoảng 1.800 lần), điện năng sản xuất vượt con số 3.100 x 106 kWh (tăng khoảng 33.000 lần), đường dây điện đã trải khắp thành phố để 100% người dân có điện dùng, tồn thất điện năng chỉ còn xấp xỉ 1,75% (giảm khoảng 15 lần).
Cần nói thêm về công nghệ sản xuất điện: 100 năm trước miền Trung đã trải qua từ những máy phát điện chạy bằng động cơ hơi nước, động cơ khí nghèo, rồi động cơ diesel; đến giai đoạn phát triển thủy điện vừa và nhỏ rộng khắp; rất may là Việt Nam chúng ta đã dừng kịp thời các dự án điện hạt nhân. Hiện nay cả nước đã và đang chuyển mạnh sang sử dụng năng lượng tái tạo: điện mặt trời, điện gió. Trong đó đáng kể là gần đây (từ 2020) có cả những nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng những công trình điện gió công suất lớn đến mức đầu tư xây dựng cả trạm biến áp 500 kV để giải phóng năng lượng điện gió lên lưới truyền tải quốc gia. Một sự tăng trưởng - phát triển đáng được ghi nhận, duy trì và phát huy không những về số lượng, về chất lượng cung cấp điện cho người dân mà cả nỗ lực áp dụng các loại hình phát điện tiên tiến theo sát các cường quốc năng lượng của thế giới. Tuy nhiên, ngành điện vẫn cần quan tâm phát triển nguồn và lưới điện sao cho không xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ trong mùa nắng nóng và nhất là giá bán điện phù hợp với mức sống và thu nhập của người dân.
(Vì bài viết đã dài nên không đề cập đến việc xây dựng lưới điện thông minh và sự áp dụng công nghệ số vào khâu dịch vụ chăm sóc khách hàng dùng điện) /.
15-4-2023
NGUYỄN-QUANG-HIỀN, nguyên PGĐ Công ty Điện Lực Gia Lai
Chuyên khảo nhân 100 năm ngày Đà Nẵng có điện chiếu sáng (7/1923-7/2023)
23/04/2024 1551 0
06/02/2024 1240 0
07/08/2023 2038 0
21/12/2022 1389 0
20/12/2022 1205 0
23/05/2018 6174 0
21/12/2021 6108 0
08/09/2022 4794 1
30/10/2020 3284 0
22/10/2020 3225 0