Cổ tức muộn, đôi điều trăn trở

Phạm Phong - Tổng Giám đốc   19/12/2020   2692   1

Một tin nhắn: “Sao cuối tháng rồi mà chưa có cổ tức?” lúc 8:00 ngày 30/11/2020 và nhiều cuộc điện thoại gọi đến với cùng nội dung như một mũi dao dí vào da thịt tôi!

Sáng ngày 30/11/2020, Cổ tức cho cổ đông lưu ký đã nhận được tin báo của Ngân hàng, cổ đông có thông tin tài khoản thì giải quyết trong buổi sáng, cổ đông còn lại thì lai rai nhận tiền mặt tại Văn phòng Công ty.

Cổ tức của SBA năm 2019 nhưng phải đến cuối tháng 11 năm 2020 cổ đông mới được nhận! Cổ tức muộn của SBA đã cơ bản được giải quyết, nhiều cổ đông chờ đợi trong sự hồi hộp âu lo đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy vậy, Công ty vẫn còn nợ cổ tức của EVNCPC vì dòng tiền thiếu, nỗi day dứt đau đáu vẫn còn trong tôi.

Chúng ta đều biết rằng hiệu quả tài chính là phần đánh giá cuối cùng của một dự án, là phần cuối cùng của một quá trình, là kết quả của trí tuệ, kỹ thuật hay công nghệ nào đó.

Lợi nhuận sau thuế là chỉ số quan trọng để đánh giá tính hiệu quả tài chính của dự án đã triển khai, là chỉ số quan trọng đánh giá sự thành công của một công ty. Lợi nhuận trên BCTC không hoàn toàn quyết định sự tồn tại của Công ty vì còn tuỳ thuộc vào các phương pháp kế toán áp dụng (phương pháp khấu hao, phương pháp hàng tồn kho,…). Dòng tiền mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của Công ty. Cải thiện tài chính là cải thiện dòng tiền, làm sao cho dòng tiền luôn mạnh nghĩa là lợi nhuận phải là thực sự sau khi đảm bảo trả được nợ gốc cho Ngân hàng (vì nợ gốc không phải là một khoản chi phí được phản ánh trên báo cáo KQKD trong kỳ).

Làm sao để không còn day dứt, làm sao để không còn hồi hộp chờ đợi tiền để trả cho cổ đông, làm sao để không còn nghe hỏi khi nào có cổ tức,...là điều tôi trăn trở không phải thời gian vừa qua mà đã từ nhiều năm trước, từ khi xin chuyển hình thức khấu hao theo đường thẳng sang khấu hao theo sản lượng. Giải pháp để chấm dứt tình trạng này đã được đặt ra và giải quyết từ những năm 2013 đến nay đang từng bước vượt qua.

Các biện pháp tăng doanh thu như tính lại thủy văn để tính lại sản lượng hợp lý nhằm tăng giá bán hợp đồng, nghiên cứu thị trường để vận hành vào giờ có giá cao đã được thực hiện tốt. Các biện pháp giảm chi phí như sửa chữa bảo dưỡng đã tự thực hiện, giảm nhân lực tối đa, lương khá thấp,...Các biện pháp tài chính như chuyển khấu hao từ đường thẳng sang sản lượng, trả gốc từng kỳ sớm,...đều đã được thực hiện. Nhưng vẫn khó khăn!

Vậy sai từ đâu?

Nguyên nhân sâu xa là dự án Krông H’năng đã tính toán sai từ gốc, từ phần tính toán thuỷ văn, dẫn đến sai trong giải pháp kỹ thuật để đầu tư. Sai lỗi kỹ thuật thì không dễ dàng để sửa, có khi phải phá sản. Công ty đã nổ lực giải quyết như trên và cũng đạt được kết quả như hiện tại, sẽ mất vài năm nữa để vượt qua.

Nhằm khắc phục tình hình tài chính và để phát triển Công ty Sông Ba bền vững, cần phải khởi đầu lần thứ hai, phải xuất phát từ một giải pháp kỹ thuật mới và từ những người tư vấn có tâm. Điều đó đang được đội ngũ Công ty Sông Ba đặt ra nghiêm túc và mạnh mẽ phấn đấu.

Hy vọng trong tương lai không xa nữa, tình trạng tài chính của Công ty sẽ hoàn toàn vững mạnh, cổ đông sẽ không còn khắc khoải ngóng chờ cổ tức, điều đó cũng là mong muốn của Chủ tịch HĐTV EVNCPC.


THÔNG TIN GÓP Ý / BÌNH LUẬN
Hồ Kiếm phong - phonghk81d@gmail.com
Bài viết của con nhà kỹ thuật , xúc tích , lắng đọng . Cám ơn anh. Không biết dự án Krông H Năng 2 công suất 20MW có thiết kế bị sai lầm như Krông H Năng 64MW không , vì Krông H Năng 2 lấy một phần nước thải từ Krông H Năng 64MW về .

23/12/2020


GỬI GÓP Ý / BÌNH LUẬN