Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thời cơ và Thách thức

Võ Anh Tuấn   29/09/2014   1054   0

Ngày 11/9/2014, tại Hà Nội, Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ  (CNHT) tại Việt Nam.


     Ông Phạm Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Ba đã tham dự Hội thảo.


     Mục đích của việc tổ chức Hội thảo, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, là để doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tiếp cận nhu cầu và đòi hỏi của SAMSUNG đối với công nghiệp hỗ trợ.

 


Đại diện Tập đoàn SAMSUNG giới thiệu về Tập đoàn, tình trạng mua hàng, chính sách mua hàng và đăng ký để trở thành nhà cung cấp cho Tập đoàn


     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam hiện có khoảng 500 doanh nghiệp FDI, thu hút được 17 nghìn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt trên 243 tỷ USD đến từ 101 quốc gia có nền sản xuất tiên tiến đầu tư trong lĩnh vực CNHT chủ yếu sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng kim loại, linh kiện cao su… Tuy nhiên, do những đòn bẩy về cơ chế, chính sách từ Chính phủ còn chưa mang tính đột phá cũng như các doanh nghiệp CNHT Việt Nam với những hạn chế chủ quan về công nghệ, vốn, năng lực sản xuất, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực… nên hầu như chưa tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện này. Để phát triển CNHT với tỷ trọng kỳ vọng chiếm trên 33% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2020, Chính phủ đang triển khai 03 nhóm giải pháp để khuyến khích, phát triển lĩnh vực CNHT trong thời gian tới bao gồm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới về khuyến khích và phát triển CNHT, xây dựng môi trường, hạ tầng kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thu hút đầu tư; nâng cao mối liên kết, hợp tác và tạo môi trường chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng đa dạng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo.


     Trong phần trình bày của GS-TSKH Nguyễn Mại, Ông đã nêu: Thực trạng CNHT chưa phát triển được như chủ trương của Chính phủ từ đầu thế kỷ XXI nên giá trị gia tăng sản phẩm còn thấp, nguyên nhân của thực trạng và triển vọng phát triển CNHT. Phần nội dung được các DN quan tâm là làm thế nào hợp tác với SEV để phát triển CNHT ? Ông Nguyễn Mại đã nêu lý do vì sao chọn SEV để hợp tác và Kế hoạch triển khai. Ông Nguyễn Mại cho biết sau Hội thảo sẽ có hàng loạt hoạt động khác được tổ chức, như lựa chọn một số DN có thể đầu tư công nghệ đáp ứng các điều kiện của SAMSUNG để làm thí điểm, sau đó mở rộng thí điểm trên cơ sở các chính sách ưu đãi cho CNHT của Chính phủ. Cuối năm 2015, sẽ tổng kết quá trình hợp tác với SEV để kiến nghị hệ thống giải pháp bao gồm chính sách, quỹ phát triển, mô hình nhằm mở rộng diện các DN CNHT.


     Tại Hội thảo, các DN đã nghe giới thiệu về SEV, tình trạng mua hàng, chính sách mua hàng và nội dung yêu cầu của các bước đăng ký để trở thành nhà cung cấp cho SEV của đại diện Tập đoàn SAMSUNG. Sau phần giới thiệu là phần trao đổi giữa các DN với Đại diện Tập đoàn SEV, Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và GS-TSKH Nguyễn Mại. Hàng loạt câu hỏi đã được các DN Việt Nam đặt ra: SAMSUNG có sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam? Nếu DN Việt đầu tư xây dựng một nhà máy mới, SAMSUNG có sẵn sàng ký thỏa thuận mua sản phẩm cho họ? Chúng tôi phải đáp ứng những yêu cầu gì để có thể trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho SAMSUNG?


     Và câu trả lời chung mà các DN Việt Nam nhận được từ SEV, đó là rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam, miễn là phải đáp ứng tốt 3 tiêu chí cơ bản trong 8 tiêu chí: Chất lượng (Kiểm soát chất lượng, Bảo đảm chất lượng, ISO) - Thời gian giao hàng (Hệ thống quản trị chuỗi, Điều chỉnh việc giao hàng một cách linh hoạt, Đáp ứng các yêu cầu khẩn) - Giá cả (Cơ cấu giá thành có sức cạnh tranh cao, Điều chỉnh giá thành theo hướng tích cực).


     SEV cho biết tại Việt Nam năm 2013 SAMSUNG đã xuất khẩu điện thoại di động với kim ngạch 23.9 tỷ đô la Mỹ, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp lớn vào nền kinh tế quốc dân. Việt Nam đã lần đầu tiên trở thành một cứ điểm sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới, khi cứ 400 triệu điện thoại di động của SAMSUNG được bán ra trên toàn cầu thì có tới 120 triệu điện thoại được sản xuất tại Bắc Ninh. Cùng với nhà máy SAMSUNG Thái Nguyên mới đi vào hoạt động, Việt Nam thực sự trở thành cứ điểm sản xuất của tập đoàn SAMSUNG trên toàn cầu. Chính vì điều đó, CNHT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của SAMSUNG tại Việt Nam.


     SEV cũng cho biết với thị trường tiêu thụ của Tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia như SAMSUNG, việc mua được thực hiện toàn cầu hóa, thì tất yếu việc gia công linh kiện cũng được toàn cầu hóa theo. Vì thế, đối thủ cạnh tranh không đơn thuần là giữa DN Việt Nam hay Hàn Quốc, mà còn là tất cả các DN khác trên phạm vi thị trường toàn cầu.

 


Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ: Thời cơ và Thách thức!


     Với xu hướng một số Tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia (TNC) như SAMSUNG, NOKIA, Intel, chuyển nhà máy ở các nước khác vào Việt Nam, đây là thời cơ cho CNHT Việt Nam phát triển và cũng là thách thức đầy khắc nghiệt cho các DN Việt Nam. DN Việt Nam cần làm gì để tham gia cuộc chơi toàn cầu? Các DN phải xây dựng chiến lược dài hạn, xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao và năng lực quản trị, tìm kiếm cơ hội phát triển thông qua liên doanh, liên kết, chấp nhận đi lên từ nhà cung cấp cấp 4, cấp 3, cấp 2 trước khi trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho các TNC hoặc thực hiện đi trước đón đầu công nghệ. Mỗi DN sẽ phải tự thân vận động tìm ra con đường phát triển CNHT cho riêng mình. Vấn đề là phải dám đi thì mới mong đến đích được!
 


GỬI GÓP Ý / BÌNH LUẬN